Trong giáo dục hiện đại, không thể không có giáo án bài dạy. Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào giáo án hay phụ thuộc chất lượng người thầy? Có nên thay đổi quan niệm về giáo án để giảm bớt gánh nặng nhọc nhằn cho nhà giáo? Từ Mầm non, Tiểu học đến THPT, giáo án nên ngắn gọn, hàm súc đảm bảo kiến thức chuẩn, đúng chương trình.
Dưới đây là tâm sự, mong muốn của một nhà giáo ở Vĩnh Phúc về giáo án, cũng chẳng khác gì chuyện sách giáo khoa của học trò.
Nỗi niềm nào của riêng ai
Cuốn cẩm nang lên lớp của thầy cô ngày càng muôn hình vạn trạng nhưng không mấy hiệu quả. Sự sáng tạo của cán bộ quản lí đặt ra yêu cầu về hình thức và nội dung nhiều khi khắt khe và khó thực hiện. Đối tượng nào được in, đối tượng nào không cần giáo án điện tử; hình thức mấy cột, mấy bước lên lớp; trình bày thế nào, ghi thông tin trước và sau giờ dạy; nội dung thế nào…
Bao nhiêu tiết bấy nhiêu giáo án, phân môn nào cũng có: môn chính, học sinh giỏi, chuyên đề, sinh hoạt lớp, thực hành, ngoại khóa, tự chọn… Giáo án nào cũng ký duyệt trước khi lên dạy. Sau mỗi đợt kiểm tra Hồ sơ là không ít phiền toái, lo âu.
Từ Mầm non đến THPT, việc làm giáo án vất vả, lặp lại, nhàm chán và có phần giả dối làm nhọc nhằn thêm thầy cô từ tiết đầu tiên đến tiết cuối cùng của nghiệp làm thầy. Những trang giáo án vẫn ra đời, vẫn được ký duyệt và vẫn rong ruổi cùng thầy cô đến lớp, dù mưa dù nắng, dù đem ra dùng hay không.
Giáo án có làm nên chất lượng giáo dục?
Ngộ nhận giáo án tốt, chất lượng học sinh sẽ nâng lên đẩy người thầy vào luẩn quẩn, giáo điều. Một tiết thao giảng chuẩn bị rất công phu, dạy thử mãi nhưng vẫn không thành công trong khi tiết tự giảng thoát ly giáo án lại cô đọng và thầy trò đều hài lòng.
Không ai hướng dẫn học sinh được tất cả những gì viết trong vài trang giấy A4 và cũng không mấy ai mở giáo án mới dạy được. Vậy soạn giáo án chủ yếu dùng cho kiểm tra Hồ sơ giáo viên.
Sự không thống nhất trong quan niệm và quy định về giáo án từng nơi gây lãng phí thời gian hữu ích, tiền của và công sức của nhà giáo. Có trường, thầy cô dạy từ 20 năm được dùng lại, chỉ cần ghi bổ sung, có trường soạn mới hết; có trường rất chi ly xem kiểm từ bìa đến nội dung, hình thức.
Thay đổi như thế nào
Bắt đầu từ quan niệm của người có trách nhiệm quản lí đến người thực hiện. Tôi rất biết ơn đồng nghiệp tạo điều kiện được xem nhiều giáo án Ngữ văn ở hầu hết trường THPT Vĩnh Phúc trong 11 năm thanh tra chuyên môn. Những gì tôi cảm phục không phải những tập giáo án loại tốt mà là lòng ham học hỏi, nhiệt tình và khả năng xử lý kiến thức tình huống giờ học của các thầy cô được dự giờ.
Vì sao chúng ta đòi hỏi giáo án phải thống nhất từ hình thức, cột mục, các bước lên lớp đến nội dung, lời dẫn, lời giảng trong khi đối tượng học sinh và vùng miền khác nhau? Biết là đối phó, copy hoặc chế lại nộp kiểm tra nhưng từ cán bộ quản lí đến nhà giáo vẫn thừa nhận và xếp loại tốt.
Có người cho rằng, giáo án ngắn gọn, súc tích là soạn sơ sài, chống đối và khen những tác phẩm dài lê thê, viết cả đoạn giảng giải, ghi cả những việc làm nhỏ của thầy và trò? Hơn nữa, nhiều người kiểm tra không cùng môn nên chủ yếu nhìn hình thức để xếp loại. Xem ra, bệnh nói nhiều, viết nhì nhằng, càng dài càng tốt đến lúc cần phải loại bỏ. Tư duy về giáo án cần thay đổi, càng nhanh càng tốt.
Những phác thảo ban đầu
Giáo án bài dạy cần được coi trọng như một đứa con tinh thần quan trọng. Người giáo viên có thể soạn, sưu tầm, chỉnh sửa nhưng nhất thiết phải nghiêm túc và tâm huyết để giáo án đạt chuẩn hình thức và sâu sắc, hữu ích về nội dung. Chúng ta không thể đổ lỗi cho trình độ chuyên môn, trình độ vi tính và càng không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh riêng để thiếu trách nhiệm, cẩu thả với giáo án.
Trình bày giáo án theo hình thức hợp lý về đề mục cần có. Chỉ ghi tiết thứ tự chương trình, không ghi ngày tháng soạn và giảng; các mục cần thiết gồm: 1. Mục tiêu bài học, 2. Những chuẩn bị cần thiết, 3. Nội dung bài học gồm kiến thức chuẩn và cách thức trao đổi, 4. Nội dung cần làm sau bài học.
Tùy năng lực và kinh nghiệm mà mỗi nhà giáo có thể soạn được nhiều bài hay, có thể ứng dụng tốt. Giáo án cần ngắn gọn, hàm súc và trình bày dễ hiểu, dễ nhớ và vận dụng. Bài học trong sách giáo khoa ngắn nhưng thầy cô soạn vài trang là nghịch lý đáng buồn. Chấp nhận ghi ký hiệu, viết tắt và cá tính. Một giáo án tốt cần xác định chuẩn trọng tâm kiến thức cần có, phương cách thầy hướng dẫn và trò tiếp nhận, vận dụng với hình thức mạch lạc, hàm súc, khoa học.
Và những đề xuất
Cán bộ quản lí các cấp nên thống nhất về quan niệm giáo án như công cụ dạy học. Chú trọng chất lượng nội dung ứng dụng hơn hình thức cầu kì.
1.Quy định số trang tương đối theo môn, không viết dài dòng, không ghi lời giảng giải, lời dẫn; không cần lặp nhiều mục thừa.
2.Cho phép sử dụng lại giáo án với phần ghi bổ sung, rút kinh nghiệm bắt buộc. Thời gian trong 3 năm.
3. Kiểm tra định kì vào cuối từng học kì và đột xuất theo nhu cầu. Không cần ký duyệt đầu tuần (vì đã được kiểm tra năm trước).
Giáo án chất lượng được dùng lại sẽ bớt đi nhọc nhằn soạn bài của thầy cô, tạo điều kiện thời gian và sức khỏe để nhà giáo tự bồi dưỡng chuyên môn, chăm lo gia đình và bổ sung kỹ năng, tri thức sống.
Các nhà giáo vận dụng linh hoạt bộ giáo án được duyệt. Những vi phạm (không có giáo án hay sao chép đạo văn cẩu thả…) sẽ xử lý theo quy định. Thay đổi bản chất hoạt động tổ nhóm chuyên môn, sớm có giáo án thống nhất dùng chung. Tất nhiên, mỗi người cần chỉnh sửa ít nhiều thông tin cho phù hợp.
Xóa bỏ cách quản lý hình thức, nặng nề, không hiệu quả của cán bộ quản lí và sự thờ ơ, ngụy tạo về giáo án của giáo viên sẽ tạo nhiều hiệu ứng tích cực trong giáo dục phổ thông hiện nay.
“Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đòi hỏi nhiều thay đổi trong đó quan niệm tư duy, cách làm và sử dụng giáo án hiệu quả thật sự cần thiết và nhân văn.
Bạn muốn các bài giảng tương thích và mang lại hiệu quả với bảng tương tác thì các bài giảng thiết kế trên phần mềm Activ Inspire là lựa chọn hàng đầu.
hãy truy cập cập vào website baigiangtuongtac.com để tham khảo và tải bài giảng tương tác mới nhất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét